Dân trí Danh sách đề cử danh hiệu quả bóng vàng (QBV) Việt Nam năm nay có đến 20 cái tên. Nhưng trong số 20 cái tên đấy, người ta vẫn không tìm thấy Công Phượng, chứng tỏ với những người làm công tác chuyên môn, cầu thủ của HA Gia Lai vẫn không được đánh giá cao. >> Lứa Công Phượng và các đồng đội có tiến bộ? >> HLV U19 Hàn Quốc không ấn tượng về Công Phượng

Có 2 trường hợp mà giới truyền thông nhắc đến khi nhận được bản danh sách sơ bộ đề cử cho danh hiệu QBV Việt Nam 2015, đó là tiền đạo Huỳnh Như (TPHCM) trong hạng mục dành cho nữ và tiền đạo Công Phượng (HA Gia Lai) ở hạng mục tương tự của nam.

Kết quả là, trong khi Huỳnh Như được sự thống nhất gần như tuyệt đối, vì cô quá xuất sắc trong năm 2015, và BTC giải thưởng QBV gần như ngay lập tức đồng ý bổ sung tên cô vào danh sách đề cử, thì cái tên Công Phượng tiếp tục gây tranh cãi về chuyện xứng đáng hay không xứng đáng trong năm nay?

Điều đó cho thấy trong mắt những nhà làm chuyên môn (gồm các chuyên gia bóng đá, HLV, cầu thủ, nhà báo thể thao), Công Phượng vẫn chưa được đánh giá cao về mặt chuyên môn. Phần đông giới chuyên môn trong nước vẫn tỉnh táo để nhận ra rằng cầu thủ nổi tiếng nhất không có nghĩa là cầu thủ giỏi nhất của bóng đá nội hiện giờ.

 

Công Phượng vẫn chưa được những người làm chuyên môn đánh giá cao (ảnh: Gia Hưng)
Công Phượng vẫn chưa được những người làm chuyên môn đánh giá cao (ảnh: Gia Hưng)

 

Dĩ nhiên, trong danh sách để cử, vẫn có những cái tên gây tranh cãi (mà thường thì bất cứ cuộc bầu chọn nào trên thế giới cũng có) như Thanh Hào (Hà Nội T&T), Tiến Thành (Cần Thơ), hay Hoàng Thịnh (SL Nghệ An – người gần như chấn thương suốt cả mùa giải)… Nhưng ngay cả khi đó, Công Phượng vẫn chưa chắc thế được chỗ của các cầu thủ trên, trong nhóm 20 người giỏi nhất.

Ở đội tuổi của Công Phượng, Văn Quyến từng có QBV Việt Nam 2003, sau SEA Games 22 chói sáng. Trước đó nữa, khi mới 18 tuổi, Quyến giành ngay quả bóng đồng, khi lần đầu khoác áo đội tuyển dự AFF Cup 2002.

Công Vinh cũng từng giành được QBV khi còn khá trẻ. Với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, người ta tin rằng nếu danh hiệu QBV Việt Nam ra đời sớm hơn (khai sinh năm 1995), những danh thủ trên cũng sẽ có QBV ở độ tuổi đôi mươi – độ tuổi của Công Phượng bây giờ.

Công Phượng chưa được dân chuyên môn đánh giá cao vì nói cho cùng cầu thủ nổi tiếng nhất nước hiện tại chưa chứng minh được giá trị chuyên môn của chính mình. Thậm chí, ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều người còn băn khoăn rằng liệu Công Phượng có thực sự tiến bộ hơn chính mình khi còn đá ở các giải trẻ hay không? – Sau 1 năm được thi đấu chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa khắc phục được nhược điểm cũ về mặt tư duy chơi bóng và tính hiệu quả?

Riêng chuyện Công Phượng đến giờ cực kỳ nổi tiếng chủ yếu xuất phát từ chiến lược truyền thông quá sắc sảo của HA Gia Lai, luôn biết cách tô hồng nhất cử nhất động của cầu thủ này, chứ không phải là nhờ Công Phượng và các đồng đội đã chứng minh được sự vượt trội của mình, so với phần còn lại của nền bóng đá.

Nhưng rốt cuộc vấn đề lại nằm ở chỗ đã là phát triển một cầu thủ, thì người ta vẫn cần nhất ở chỗ cầu thủ đấy phát triển về mặt chuyên môn, chứ không thể mãi đứng trên sân cỏ chỉ bằng hình ảnh và tên tuổi (Messi đứng trên đỉnh thế giới bằng tài năng thực thụ chứ đâu cần đến các chiến dịch PR hình ảnh!).

Công Phượng dù có nổi tiếng cách mấy nhưng không được đánh giá cao về mặt chuyên môn, thì vẫn rất khó khẳng định cầu thủ của HA Gia Lai đang được định hướng tốt trong việc phát triển sự nghiệp! Đấy là điều mà người ta mong cầu thủ này thay đổi để trở thành một tài năng đúng nghĩa.

Trọng Vũ

 

 

Nguồn bài viết: Báo Dân Trí