Dân trí Năm 2010, khi Diego Maradona dẫn đoàn quân thất trận từ World Cup trở về quê nhà, đã có khoảng 15 ngàn người hâm mộ đón chào ông và các học trò như những…người hùng. Người Argentina là vậy, ở bất kỳ thời điểm nào trong mắt họ Maradona cũng là người hùng…
…Và không chỉ có những người Argentina, những ai đã từng
khóc cười theo những khoảnh khắc nổi trôi của huyền thoại vĩ đại này, đều yêu
ông vô điều kiện. Bởi vậy, dùng con số thống kê, danh hiệu hay dòng tiểu sử để
giới thiệu về một con người như Diego Maradona thực quá thừa thãi và nhàm chán.
Người ta yêu Maradona vì ông sở hữu tài năng xuất chúng,
tinh quái nhưng lại rất bản năng. Đặc biệt là trong những thời khắc quan trọng
nhất, Maradona luôn bùng nổ khủng khiếp. Theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Thiên thần và ác quỷ
Hai bàn thắng vào lưới đội tuyển Anh tại tứ kết World Cup
1986 dường như lột tả hết con người Maradona. Như tờ L’Equipe ví von, ông là
thiên thần và cũng là ác quỷ. Bàn thắng đầu tiên thể hiện sự tinh quái, quỷ quyệt
của một cậu bé lớn lên trong khu ổ chuột bụi bặm ở Argentina. Nơi kẻ nào nhanh
tay hơn, bất kể thủ đoạn, mới có thể tồn tại. Bàn thắng này được đặt tên là “bàn
tay của chúa”.
Bàn thắng thứ hai thể hiện tài năng xuất chúng và sự bùng nổ
chưa từng thấy trong lịch sử của Maradona. Một pha đi bóng độc diễn trên quãng
đường dài 60m, vượt qua hơn nửa đội hình đội tuyển Anh, một cường quốc bóng đá
châu Âu với hệ thống phòng ngự khoa học. Bàn thắng này được đặt tôn vinh là “bàn
thắng thế kỷ”.
Nói về cảm xúc khi chứng kiến trực tiếp bàn thắng này trên
sân, danh thủ Gary Lineker nhớ lại: “Khi Diego ghi rằng bàn thắng thứ hai vào lưới
chúng tôi, tôi như muốn vỗ tay. Tôi chưa bao giờ cảm thấy một pha bóng như thế
trước đó.”
Maradona đã rất nhiều lần thăng hoa trên sân cỏ nhưng cũng
không ít lần hành xử một cách điên rồ. Bàn thắng bằng tay vào lưới đội tuyển
Anh là hành động may mắn hiếm hoi của Maradona đem lại kết quả tích cực. Những
lần còn lại, chỉ đem đến sự ngán ngẩm và thậm chí là bi kịch.
World Cup 1982, Maradona chia tay giải vô địch thế giới đầu
tiên trong sự nghiệp bằng chiếc thẻ đỏ sau khi đạp vào bụng João Batista da
Silva bên phía Brazil để trả đũa. World Cup 1994, Maradona chia tay giải vô địch
thế giới cuối cùng trong sự nghiệp bằng án treo giò sau khi bị phát hiện dương
tính với doping.
Ngoài ra, một nốt trầm khác trong sự nghiệp Maradona là việc
bị Barca tống khứ. Đội bóng xứ Catalonia lập kỷ lục chuyển nhượng thế giới, thanh
toán bằng vàng khối để có Maradona. Tuy nhiên, phần lớn thời gian khoác áo
Barca, Maradona chỉ ngồi chơi xơi nước vì chấn thương. Ông bị gãy chân bởi cú
vào bóng của Andoni Goikoetxea. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn gọi cựu hậu vệ
Athletic Bilbao này là “đồ tể”, “gã bán thịt”.
Trở lại sau chấn thương, Maradona lập tức tạo ra vụ ẩu đả
kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha vẫn với các cầu thủ Athletic Bilbao.
Andoni Goikoetxea cũng tham gia tích cực vào trận hỗn chiến này. Ngay sau vụ bê
bối này, Giám đốc Barca tuyên bố: “Khi tôi nhìn thấy những cảnh đấm đá của
Maradona và sự hỗn loạn tiếp theo đó, tôi nhận ra rằng chúng ta không thể đi xa
hơn với cậu ấy.” Quả thực “cậu bé vàng” sinh ra không phải để khoác áo Barca.
Sau này, người Argentina đã “đền” cho người Catalonia một “cậu bé vàng” khác.
Điểm sáng hiếm hoi Maradona để lại trong màu áo Barca là bàn
thắng trong trận cầu Siêu kinh điển. Trong một tình huống phản công, Maradona nhận
bóng và đối mặt thủ môn đối phương. Bằng kỹ thuật siêu việt, “cậu bé vàng” dễ
dàng vượt qua thủ thành Agustin để đứng trước khung thành rộng thênh thang.
Nếu là một cầu thủ khác, có lẽ sẽ là cú sút quyết đoán vào
lưới trống. Nhưng Maradona lại là mẫu người luôn biết cách tạo ra sự khác biệt.
Quan sát thấy hậu vệ Juan José nỗ lực lao người truy cản, “cậu bé vàng” bình
tĩnh gạt bóng đẹp như thể một đấu sĩ bò tót. Sau khi hậu vệ đối phương đã lỡ
đà…nằm sõng soài trong lưới, bây giờ Maradona mới ghi bàn. Chứng kiến pha làm
bàn thắng biệt này, ngay cả những CĐV Real Madrid cũng đứng dậy vỗ tay, điều hiếm
thấy ở những trận Siêu kinh điển.
Người mang sứ mệnh dẫn dắt kẻ yếu
Maradona không thành công trong màu áo Barca, gã khổng lồ của
bóng đá Tây Ban Nha, nhưng đặc biệt thành công tại đội tuyển Argentina và
Napoli. Cần nhấn mạnh Alcebileste sở
hữu lực lượng không quá hùng hậu những năm thập niên 1980 còn Napoli lại chỉ là
CLB hạng trung tại Serie A.
Trong hai màu áo này, những gì tinh hoa nhất của Maradona mới
phát tiết. Ông là thủ lĩnh tuyệt đối, để lại dấu ấn trong từng khoảnh khắc, hiện
hữu trong từng pha bóng. Vận mệnh của Argentina lẫn Napoli gần như nằm trong
chân “cậu bé vàng”. Có lẽ chưa ai tạo ảnh hưởng lớn lên một đội bóng như vậy.
Nhờ tài năng xuất chúng của Maradona, Argentina một lần vô địch
thế giới năm 1986 và một lần giành ngôi á quân năm 1990. Riêng kỳ World Cup tại
Mexico mà Alcebileste đăng quang,
Maradona gần như phủ cả cái bóng của mình lên giải đấu. Trước và sau chưa ai
làm được điều đó.
Trong màu áo Napoli, “cậu bé vàng” dẫn dắt đội bóng thành
Naples trở thành thế lực tại Serie A, giải đấu khốc liệt nhất châu Âu thời bấy
giờ. Chiến quả Napoli với thủ lĩnh Maradona đạt được là 2 lần vô địch Serie A (1986-87
, 1989-90), 1 lần vô địch Coppa Italia (1986-1987), 1 lần vô địch UEFA Cup (1988-1989)
và 1 lần giành Siêu cúp bóng đá Italia (1990).
Vĩ thanh
Suốt chiều dài lịch sử bóng đá, rất nhiều huyền thoại vĩ đại
đã ghi dấu ấn. Nổi bật mũi tên bạc Di Stefano, thánh Johan Cruyff, Hoàng đế
Franz Beckenbauer, vua-bóng-đá Pele…Tuy nhiên chắc chắn không ai đưa người
hâm mộ đến tột cùng mọi cung bậc cảm xúc hạnh phúc lẫn khổ đau như Maradona. Bởi
vậy, Maradona được tôn thờ như vị thánh sống và có được tình yêu vô điều kiện
từ người hâm mộ.
Duy Khánh
Nguồn bài viết: Báo Dân Trí