Dân trí Không thể làm nên một bất ngờ ở vòng cuối, Hà Lan đã chính thức trở thành khán giả ở Euro 2016. Đó là một thất bại tủi nhục của nền bóng đá hàng đầu châu Âu, nhưng lại là kết cục hợp lý của một đế chế đã tự hủy hoại mình từ sau World Cup 2014. >> Xác định 20 đội tuyển có mặt ở Euro 2016 >> Thua CH Séc, Hà Lan “ngồi nhà” xem Euro 2016
Bóng đá Hà Lan được cả thế giới biết đến từ thập niên 70 của thế kỷ trước với những cái tên lừng danh như Johan Cruyff, Rep, Neeskeens, Nanninga…Họ là hiện thân của một tư duy bóng đá mới – tấn công tổng lực và làm khuynh đảo bóng đá thế giới bằng sức mạnh mà mọi đối thủ phải khiếp sợ.
Sang thập niên 80, người Hà Lan có bộ ba vĩ đại Rijkaard-Gullit-Van Basten và sức mạnh tấn công của họ khiến cả châu Âu nể phục. Thế hệ này đã mang về chức vô địch Euro 1988 sau chiến thắng trước Liên Xô (cũ) ở chung kết và đỉnh cao đó là cú vô lê để đời của Marco Van Basten.
Chia tay bộ ba “Hà Lan bay”, nền bóng đá nước này đón chào thế hệ tài năng với các cái tên như Van der Sar, Stam, Kluiver, F.de Boer, Bergkamp, Overmars, Davids…Những cầu thủ này đã kế thừa, phát triển phong cách bóng đá tổng lực truyền thống và là thế lực đáng nể của bóng đá thế giới giai đoạn 1998-2002.
Những lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Hà Lan nối tiếp nhau, khi trong giai đoạn 2004-2010, họ sản sinh ra một “lứa vàng” khác như Heitinga, De Jong, Van der Vaart, Van der Meyde, Sneijder, Robben, Van Persie, Huntelaar…Thành công lớn nhất của Hà Lan giai đoạn này chính là việc họ lọt đến chung kết World Cup 2010 và chỉ thua Tây Ban Nha ở hiệp phụ.
Nhưng chính từ giai đoạn thăng hoa đó bóng đá Hà Lan đã thực sự đi chệch hướng và họ không còn đeo đuổi lối bóng đa tổng lực, đẹp mắt mà dần theo lối thực dụng hóa. Không phải ngẫu nhiên là dù giúp Hà Lan giành ngôi á quân thế giới, HLV Van Marwijk vẫn bị chỉ trích bởi lối đá thô bạo mà cả làng túc cầu chưa quên được cú xông phi của De Jong nhằm vào Alonso ở chung kết World Cup 2010.
Sự đi xuống của bóng đá Hà Lan đã được phơi bày ở Euro 2012, khi họ thua cả 3 trận đấu tại vòng bảng. Đến World Cup 2014, HLV Van Gaal lên cầm quân và ông đưa Hà Lan giành HCĐ. Nhưng đó là giải đấu thần may mắn đã phần nào mỉm cười với Hà Lan và chính đội tuyển này bị chỉ trích nhiều bởi lối đá thực dụng, thiếu đường nét và chơi quá tiểu xảo.
Người Hà Lan đã không nhìn nhận vấn đề của mình và họ vỗ ngực tự hào là nền bóng đá hàng đầu châu lục. HLV Guus Hiddink đảm nhận ghế nóng nhưng ông sớm phải ra đi sau những trận đấu tệ hại ở vòng bảng và Danny Blind thay thế, cũng chỉ nhận những kết cục tồi tệ hơn cả người tiền nhiệm.
Trong 10 trận đấu bảng A vòng loại Euro 2016, Hà Lan thắng 4, hòa 1 và thua 5. 4 trận thắng của họ đều trước hai đội cuối bảng Latvia, Kazakhstan. 4 trận đấu với hai đội đầu bảng Iceland và CH Séc, họ đều thất bại. Đối đầu đối thủ trực tiếp Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan thua 1, hòa 1 và kết cục bị loại là hoàn toàn xác đáng với “cơn lốc màu da cam”.
Ngoài yếu tố phong độ và tâm lý thì rõ ràng, bóng đá Hà Lan hiện tại đang thiếu trầm trọng tài năng. Sneijder và Robben đã qua thời đỉnh cao, Huntelaar lẫn Van Persie chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình. Những tài năng trẻ như Daley Blind, Strootman, Depay còn quá non nớt để tạo ảnh hưởng, còn hàng thủ Hà Lan đang yếu trầm trọng và thiếu một hậu vệ đẳng cấp.
Quan trọng hơn, đội tuyển Hà Lan đã đánh mất đi bản sắc và lối chơi của họ bị thực dụng hóa một cách triệt để, còn trong đội hình không còn ai có khả năng tạo nên đột biến. Với những gì đã thể hiện ở vòng loại lần này thì tất cả đều thấy rõ nền bóng đá Hà Lan đã thực sự xuống cấp thê thảm.
Hình ảnh Depay và Van Persie suýt choảng nhau trước thềm trận then chốt gặp CH Séc, như một điểu báo xấu cho nền bóng đá không chỉ sa sút về chất lượng đội hình, mà chính những sự mâu thuẫn nội bộ càng làm tình hình trở nên rối ren. Người hâm mộ nước này có lẽ chưa quên sự cố ở Euro 1996, giải đấu bóng đá Hà Lan không thiếu ngôi sao nhưng đã bị loại ở tứ kết vì những mâu thuẫn nội bộ.
Lỗi hẹn với Euro 2016, người Hà Lan phải nếm trải cảm giác làm khán giả ở ngày hội lớn nhất châu Âu, gần giống với tình cảnh của họ ở World Cup 2002. Nhưng thất bại cách đây 14 năm của Hà Lan để lại chút tiếc nuối (khi đó Bồ Đào Nha và Ailen quá mạnh), còn lần này người Hà Lan đã bị loại một cách nhục nhã, ê chê và sự báo hiệu cho một thế lực bóng đá trước nguy cơ sụp đổ trong tương lai.
Anh Phương
Nguồn bài viết: Báo Dân Trí