Dân trí Năm 2014, lứa U19 của Công Phượng và các đồng đội thua U19 Hàn Quốc 0-6. Năm 2015, lứa U21 cũng của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, thua U19 xứ Hàn 0-1. Về mặt con số thì tiến bộ, nhưng thực chất là cầu thủ của ta đã đá chuyên nghiệp, còn họ chỉ là học sinh.

Nói Công Phượng và các đồng đội không tiến bộ thì không đúng, nhưng mức độ tiến bộ có được như kỳ vọng hay không lại là chuyện khác. So về mặt con số, thua 0-1 ở giải U21 quốc tế đang diễn ra trên sân Thống Nhất dễ chấp nhận hơn so với trận thua 0-6 của chính lứa này tại VCK U19 châu Á 2014.

Nhưng khác biệt về tuổi tác giữa đôi bên là điều đáng nói. Công Phượng và các đồng đội đã ở độ tuổi đôi mươi, trong khi đối phương thực chất chỉ là U18, tức 2 đội cách nhau ít nhất 2 tuổi. Về lý thuyết, ở cấp độ bóng đá trẻ, hơn kém nhau 2 tuổi là khoảng cách không hề nhỏ.

Mặt khác, lứa Công Phượng và các đồng đội đã được đá ở V-League nguyên một mùa giải, nhưng vẫn chẳng thấy già dặn gì hơn, kinh nghiệm gì hơn so với đội bóng phần đông là học sinh của U19 Hàn Quốc, phần đông chưa hề được trải nghiệm với bóng đá đỉnh cao của họ lại là điều đáng bàn khác.

 

Công Phượng (10) và các đồng đội chưa tiến bộ đúng như kỳ vọng (ảnh: Nguyễn Đình)
Công Phượng (10) và các đồng đội chưa tiến bộ đúng như kỳ vọng (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Dĩ nhiên, đẳng cấp của bóng đá Hàn Quốc và bóng đá Việt Nam cách nhau như thế nào là điều không cần phải nói thêm. Ở đây, chỉ đề cập đến việc nên thực tế trình độ thực của Công Phượng và các đồng đội, rằng kỳ vọng vào việc dùng lứa này để tiếp cận trình độ bóng đá châu Á như một số người từng chờ đợi cho đến giờ rõ ràng là phi thực tế.

Những trải nghiệm trong suốt 2 năm qua về Công Phượng và các đồng đội cho chúng ta thấy một điều rằng khi họ càng lớn, thì họ càng ở cách xa so với trình độ của bóng đá châu Á. Càng không có chuyện chỉ cần một lứa duy nhất, thuộc một học viện duy nhất mà chúng ta vội mơ rằng chúng ta có thể giúp cho toàn bộ nền bóng đá thoát xác ngay được.

Vẫn phải nhắc lại nhận định của nhiều chuyên gia bóng đá, cho dù những nhận định đấy hơi khó nghe, rằng đẳng cấp của bóng đá trẻ khác và đẳng cấp của bóng đá đỉnh cao khác nhau xa lắc.

Các đội bóng Việt Nam chứ không riêng gì lứa Công Phượng có thể đá tốt, có thể gây tiếng vang ở cấp độ trẻ, nhưng càng lên cao thì chúng ta càng khó tiếp cận trình độ với các đối thủ cùng trang lứa, bởi lẽ khi họ bắt đầu hình thành đầy đủ các tố chất, tư duy chơi bóng, ý thức kỹ – chiến thuật… theo đúng tính chất đỉnh cao, thì chúng ta vẫn cứ loay hoay với những điều được dùng đi dùng lại ở cấp độ trẻ, vẫn loay hoay “ăn mòn” vào chính mình.

Ví như U21 HA Gia Lai mà chúng ta đang chứng kiến, lối chơi của họ vẫn không khác là bao so với thời những cầu thủ này mới chập chững bước ra khỏi học viện, cho dù họ đã trải qua nguyên cả mùa giải trui rèn tại V-League.

Lối đá đấy, dùng trong bóng đá trẻ thì còn có đất phát huy, nhưng khi đá với các đội bóng thật sự có trình độ, hoặc ở sân chơi đỉnh cao, bóng đá đỉnh cao lại không ngán dạng đội hay dạng cầu thủ giữ bóng nhiều, giữ bóng lâu nhưng không biết cách kết liễu đối phương.

Trọng Vũ

 

 

Nguồn bài viết: Báo Dân Trí