Hiện nay, các đội bóng khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng vươn lên Top đầu châu Á bằng chiến lược nhập tịch cầu thủ. Xu hướng này không hoàn toàn mới, thậm chí trở thành trào lưu phổ biến trên thế giới. Ngay cả những đội bóng hàng đầu thế giới như Italia cũng sử dụng viện binh nhập tịch cho đội tuyển quốc gia. Tuy vậy, tính tới thời điểm này thì chiến lược này chưa thành công với các đội bóng Đông Nam Á.
Mới đây, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) đã thực hiện ồ ạt nhập tịch cầu thủ không chỉ đơn thuần muốn thành công tại vòng loại World Cup 2022 mà còn nhắm đến tham vọng trở thành đội bóng số 1 khu vực, thay thế vị trí mà đội tuyển Việt Nam đang nắm giữ.
Truyền thông khu vực đã tính đến viễn cảnh Hổ Malay ra sân với 7 tuyển thủ Liên hiệp quốc trong trận gặp đội tuyển Việt Nam vào ngày 31/3 sắp tới bao gồm là Matthew Davies, Brendan Gan (gốc Australia), Corbin-Ong, Lee Tuck (gốc Anh), Krasniqi (gốc Kosovo), De Paula (gốc Brasil) và Sumareh (gốc Gambia).
Trong thực tế trong quá khứ đã chỉ ra rằng không phải cứ “điên cuồng” thay máu lực lượng là đội tuyển ngay lập tức thi đấu quật khởi. Indonesia là ví dụ điển hình. Đội bóng vạn đảo bổ sung sức mạnh bằng những lính đánh thuê từ Hà Lan, Brasil, Nigeria… như Dutra, Lilipaly, Beto Goncaves. Tuy nhiên họ vẫn thi đấu bết bát và đứng cuối bảng G.
Về mặt lý thuyết, Malaysia có thể vượt qua Việt Nam và Thái Lan nhờ chính sách nhập tịch cầu thủ. Thế nhưng thực tế là câu chuyện hoàn toàn khác. Còn nhớ ở trận lượt đi bảng G tại Mỹ Đình, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã quật ngã Malaysia bằng bàn thắng đẳng cấp của Nguyễn Quang Hải.
Suy cho cùng, người Mã trong ngắn hạn có thể tăng cường sức mạnh đội tuyển quốc gia bằng những viện binh nhập tịch thiện chiến. Tuy nhiên, để quật ngã Việt Nam và Thái Lan, vươn lên trở thành đội bóng số 1 Đông Nam Á là mục tiêu đầy thách thức, không dễ dàng thực hiện được.