Dân trí Giữa một năm đầy ắp những sự kiện, thể thao Việt Nam có những niềm vui lớn, nhưng xen kẽ vẫn có một số tiếng thở dài, nhất là khi nghĩ về số phận hẩm hiu của đời VĐV phía sau ánh hào quang.
Những niềm vui…
Với 73 HCV, đoàn thể thao Việt Nam không tăng những cũng không giảm số HCV so với kỳ SEA Games trước đó vào năm 2013. Tuy nhiên, tính về chất lượng, con số 73 HCV ở SEA Games 2015 được đánh giá cao hơn.
Trong bối cảnh mà nước chủ nhà của Đông Nam Á vận hội lần thứ 28 là Singapore chủ trương tổ chức SEA Games dành cho nhiều môn cơ bản của phong trào Olympic, thì việc đoàn thể thao Việt Nam không bị sút giảm số HCV, sau khi đã mất đi một số môn và một số nội dung thế mạnh không nằm trong phong trào Olympic từng có trước đó được đánh giá là tín hiệu rất vui.
Nhóm các môn giành nhiều HCV nhất cho chúng ta tại SEA Games là điền kinh (11 HCV), bơi (10), thể dục dụng cụ (9), đấu kiếm (8), Rowing (8) đều là các môn cơ bản của phong trào Olympic. Điều đó cho thấy sự thay đổi quan trọng trong định hướng của những nhà hoạch định chiến lược trong thể thao, đó là chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư trọng điểm, tấn công trực tiếp vào các đại hội lớn như Asiad và kể cả Olympic.
Thể thao Việt Nam trong năm cũng chứng kiến niềm vui khác với một thế hệ VĐV trẻ trung nhưng đầy tài năng và rất giàu triển vọng nổi lên ở hàng loạt môn. Đáng kể nhất trong số này phải kể đến Nguyễn Thị Ánh Viên, Lâm Quang Nhật trong môn bơi, Lý Hoàng Nam ở môn quần vợt. Họ đều là các ngôi sao “tuổi teen” được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tỏa sáng thêm nhiều năm nữa.
Ngoài ra, còn phải kể thêm Thạch Kim Tuấn vốn cũng chỉ ở tuổi đôi mươi, hay tài năng trẻ đầy triển vọng Phương Trâm được ví như “Tiểu Ánh Viên” trên đường đua xanh, hoặc VĐV Taekwondo Nguyễn Thị Mộng Quỳnh – người giành 1 HCV và 1 HCB giải Taekwondo trẻ châu Á, cũng như được đề cử cho danh hiệu công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2015.
Chúng ta cũng từng có lúc lo ngại sự thiếu hụt lực lượng ở môn điền kinh, sau khi Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương,… rút lui. Nhưng chúng ta giờ có thể yên tâm với thế hệ mới của Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lai, Dương Văn Thái, Quách Thị Lan… xuất sắc không kém các đàn anh, đàn chị.
… Và những nỗi buồn
Sự ra đi đột ngột của nữ võ sĩ Hoàng Hà Giang ở tuổi 24 là cái tin gây sốc với làng võ cả nước. Dẫu biết căn bệnh lupus ban đỏ quái ác trước sau gì cũng khiến Hà Giang không chịu nổi, nhưng điều mà người ta cay đắng nhất chính là sự đãi ngộ không tương xứng của ngành TDTT cho các VĐV tài năng hoặc hứa hẹn tiềm năng đằng sau ánh hào quang của họ.
Sau ngày phải giã từ võ đài vì phát bệnh hồi năm 2008, Hoàng Hà Giang dường như cũng chìm vào quên lãng, bất chấp trước đó cô từng tỏa sáng ở Asiad Doha 2006 với 1 tấm HCB và 2 lần giành HCV Taekwondo trẻ thế giới (2006, 2008). Cuộc đời phía sau thảm đấu của ngôi sao triển vọng một thời này mới thực sự là cơ cực, với hàng loạt công việc khác nhau trên bước đường mưu sinh, nhưng không có sự hỗ trợ tương xứng từ phía ngành TDTT.
Câu chuyện của Hoàng Hà Giang khiến nhiều người cũng giật mình nhìn lại rằng sau khi giã từ sân chơi đỉnh cao rồi, còn có mấy VĐV đủ sức theo đuổi đam mê với nghề, một khi các khoản đãi ngộ cho họ chưa thể khiến họ yên tâm với cuộc sống.
Một nỗi buồn khác xảy ra ở những ngày cuối năm, khi mà khả năng nhiều VĐV Việt Nam hụt chỉ tiêu tham dự Olympic Rio 2016 một lúc một hiển hiện càng lớn.
Ngoài ra, tin không vui với môn cử tạ nước nhà ở chỗ niềm hy vọng số 1 của chúng ta, thậm chí là niềm hy vọng giành huy chương Olympic Thạch Kim Tuấn có nguy cơ không thể sang Brazil dự Thế vận hội vào mùa hè năm sau.
Nguyên nhân được chỉ ra là Thạch Kim Tuấn dính chấn thương không hề đơn giản, xuất phát từ việc tập luyện và thi đấu quá tải. Điều đó lại đặt ra vấn đề khác là bấy lâu nay, liệu chúng ta đã quan tâm đúng mức đến công tác y học thể thao hay chưa? – Đã tính đến cường độ phù hợp cho các VĐV hay chưa? – Hay chỉ chăm chăm chạy theo thành tích, trước khi để cho VĐV quá tải ngay ở thời điểm và ở độ tuổi họ sung sức nhất?
Đấy không chỉ là câu chuyện với riêng Thạch Kim Tuấn, mà chúng ta còn phải nhắc đến những Ánh Viên trong môn bơi, hoặc Công Phượng, Tuấn Anh ở môn bóng đá. Những VĐV mà chúng ta luôn có cảm giác họ phải thi đấu quá nhiều, thi đấu ngay ở các giải dưới tầm của họ, thi đấu từ cấp độ đỉnh cao cho đến các giải trẻ, từ các giải chính thức cho đến các giải mời.
Kim Điền
Nguồn bài viết: Báo Dân Trí