Dân trí Đưa cầu thủ ra nước ngoài là cách để những cầu thủ ấy tiếp thu những điều hay từ bóng đá chuyên nghiệp thực thụ. Nhưng đã bàn đến chuyện cải thiện chất lượng bóng đá trong nước thì phương pháp cơ bản vẫn là nâng chất giải quốc nội.
Phải thẳng thắn ở điểm hầu hết các vụ chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài từ trước đến nay, từ thời Lê Huỳnh Đức sang Lifan (Trung Quốc), Lê Công Vinh đến Sapporo (Nhật), cho đến việc Công Phượng sắp đầu quân cho Mito Hollyhock và Tuấn Anh sắp khoác áo Yokohama FC, đều nặng về tính thương mại, hơn là về chuyên môn.
Các đội bóng nước ngoài nhắm đến các ngôi sao của bóng đá Việt Nam trong thời điểm vừa nêu ở trên chủ yếu với mục đích khai thác các giá trị kinh tế bên ngoài bóng đá, hoặc muốn đẩy mạnh tiềm năng du lịch của địa phương mình, thông qua những đại sứ là các cầu thủ nọ.
Mà một khi các đội bóng nước ngoài tìm đến các ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam không phải vì lý do thuần chuyên môn, thì rất khó để bàn đến vấn đề chuyên môn, hay sự phát triển về chuyên môn của toàn bộ nền bóng đá, thông qua những vụ “xuất ngoại” kiểu trên.
Không phải những chuyến xuất ngoại ấy không tốt, ngược lại là đằng khác, vì cũng phải có người ra đi để biết thực sự mình là ai và mình đang ở đâu? Tuy nhiên, nếu đã nói đến chuyện cải thiện chất lượng nền bóng đá, thì dứt khoát phải giải quyết phần nền tảng, đó là nâng chất V-League.
Giải quốc nội có mạnh thì chất lượng cầu thủ nội nói chung mới được cải thiện, bản lĩnh thi đấu cũng tăng lên, khả năng quản lý của những nhà điều hành cũng tốt lên theo.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cải thiện môi trường nội địa, làm sao để giải V-League càng về sau càng sản sinh được những cầu thủ tốt, giống như Thai-League đang cung cấp nguồn cầu thủ vô tận cho các đội tuyển Thái Lan hiện nay vậy.
Môi trường được cải thiện, chất lượng được nâng cao, khi đó, khả năng các cầu thủ nội nếu ra nước ngoài thi đấu cũng được bán với giá cao hơn bây giờ. Lúc đó, người ta cũng đỡ lăn tăn với câu hỏi rằng các thương hiệu nước ngoài tìm đến thị trường cầu thủ nội vì chuyên môn, hay vì các giá trị thương mại ngoài chuyên môn?
Riêng trong trường hợp Công Phượng và Tuấn Anh nếu họ xuất ngoại, đầu tiên phải khẳng định đó là điều tốt cho họ, với phương châm “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Họ đi để học hỏi, để trải nghiệm.
Mặt khác, cần thấy rằng, người quản lý họ không thể giúp họ tỏa sáng tại V-League như mong muốn với tư cách một ông bầu, cũng tự thân chưa tìm ra phương pháp cải tiến chất lượng V-League với tư cách một nhân vật đang ngồi ở ghế điều hành cơ quan quản lý nền bóng đá, nên buộc lòng phải đưa các cầu thủ cưng nhất của mình ra nước ngoài.
Còn nếu bảo những cầu thủ ấy ra đi trong trường hợp này để cải thiện chất lượng nền bóng đá thì không đúng, trong bối cảnh như đã đề cập đến mục đích thực sự của những chuyến xuất ngoại dạng này. Cải thiện chất lượng nền bóng đá thì khâu quan trọng nhất là cải tiến chất lượng V-League kia kìa!
Trọng Vũ
Nguồn bài viết: Báo Dân Trí