Tiếng lên chuyên nghiệp 10 năm qua nhưng bóng đá Việt Nam vẫn xảy ra những vụ tranh cãi liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng rắc rối.
Thanh Trung là cầu thủ mới nhất gặp rắc rối về hợp đồng. Ảnh: Thế Nguyễn. |
Có một điểm chung là các tranh cãi chỉ mới xuất hiện khi những đôi chân cầu thủ được định giá tăng vọt so với trước đó. Nói nôm na là khi thi đấu tốt ở giải này, giải nọ, đặc biệt là trên tuyển, các cầu thủ sẽ có giá hơn. Ý thức được điều này, hầu hết giới quần đùi áo số đều coi nhẹ chuyện tình nghĩa và cũng từ đó, xảy ra khối chuyện bi, hài kịch.
Ở làng bóng Việt Nam, không ai không biết những quy định khác người của Nam Định. Cầu thủ nơi đây đa số phải cống hiến đủ 23 tuổi mới được ra đi, còn nếu không, sẽ phải đền bù những khoản tiền rất lớn. Trường hợp gần đây nhất tốt nhiều giấy mực là cuộc tranh cãi, cuối cùng phải thuê luật sư để giải quyết giữa Nam Định và sao trẻ Hoàng Danh Ngọc.
Còn trở về gần 10 năm về trước, thủ môn của Nam Định khi đó là Quốc Trung không chịu nổi kiểu “trói” của Nam Định cũng phải đền bù 100 triệu đồng để được về LG.HN.ACB. Không chỉ Nam Định nổi tiếng với những vụ đền bù hợp đồng, các đội bóng khác cũng xảy ra hầu như năm nào cũng có, chỉ có điều vụ việc lớn hay nhỏ, được giải quyết trên tinh thần đôi bên có lợi hay ăn thua đủ với nhau.
Những năm 2002-2003 nổi tiếng với những vụ tranh cãi bản quyền bởi khi đó, quy chế chuyển nhượng rất cũ đã không còn phù hợp với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.
Còn nhớ cầu thủ Phạm Minh Đức hồi năm 2002 bỏ Hàng không Việt Nam về HAGL khiến VFF phải vào cuộc. Cũng trong năm đó, Nguyễn Minh Phương chuyển từ Cảng Sài Gòn về Gạch Đồng Tâm Long An với giá 400 triệu đồng, Quang Trãi về HAGL. Còn trong năm 2003, vụ Hồng Minh về Đà Nẵng cũng rất rắc rối. Khi đó, Thanh Hóa phản ứng mạnh, thậm chí lãnh đạo đội Thanh Hóa tuyên bố “cho Hồng Minh ở nhà cắt cỏ”, khiến lãnh đạo Đà Nẵng đã phải làm việc và can thiệp kịp thời (tất nhiên đi kèm vẫn là một khoản tiền đền bù đáng kể).
Những tranh cãi giữ CLB và cầu thủ luôn tỷ lệ với giá trị chuyển nhượng. Về sau này, khi mà các doanh nghiệp ngày càng đổ nhiều vào bóng đá, giá trị chuyển nhượng tăng vọt, cũng bắt đầu xảy ra khối vụ cãi nhau và hầu như đều phải thuê luật sư, có trường hợp còn dạo kiện nhau ra tòa.
Mai Tiến Thành từng vất vả để chia tay Thanh Hóa. Ảnh: TL. |
Mùa giải 2007, Mai Tiến Thành mở đầu cho “trào lưu” đi tìm miền đất hứa khi nhận lời thi đấu cho Ninh Bình, khiến Thanh Hóa tức giận nhờ cả công an vào cuộc. Cuối cùng cầu thủ này buộc phải chấp nhận nghỉ gần mùa giải để được ra đi. Cũng năm đó, Hữu Thắng về Ninh Bình với 3 tỷ đồng nhưng sau khi cầu thủ này bị chấn thương, Ninh Bình đã phớt lờ khiến tiền đạo Bình Dương phải lao đao. Còn trong năm 2009, trung vệ Minh Đức của SLNA còn “tham lam” khi liền một lúc ký hợp đồng với cả Thể Công lẫn Hải Phòng. May là khi đó HLV Vương Tiến Dũng nể tình riêng nên rút lui, nhưng khi ông Dũng rời Thể Công, Minh Đức lại rơi vào một vụ tranh chấp mới.
Trường hợp của Minh Đức còn đang xôn xao thì Phía Khánh Hòa tố cáo Ninh Bình tiếp xúc và ký hợp đồng với 3 cầu thủ của mình là Tấn Điền, Hữu Chương, Đức Hùng trước thời gian cho phép, cuối cùng thì Ninh Bình trắng án vì Khánh Hòa không đưa ra được chứng cứ. Tuy nhiên hài hước nhất là trường hợp của Văn Pho và Quý Sửu năm đó. Thấy các cầu thủ này có ý định tìm đến HAGL, Đồng Tháp đã có… giấy nhập ngũ với 2 cầu thủ này khiến cả 2 ngã ngửa.
Những năm gần đây, tranh cãi cũng xảy ra liên miên. Trước mùa giải 2011 khởi tranh, vụ lật kèo của Công Vinh về với bầu Kiên đã tốn biết bao giấy mực của báo chí. Mới nhất, vụ cầu thủ Thanh Trung kiên quyết không ra sân để phản đối bầu Kiên cũng đang châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nhiều rắc rối.
Cầu thủ nội đã vậy, những tranh chấp cầu thủ ngoại còn phức tạp hơn và nhiều cầu thủ phải cười ra nước mắt bởi người thì mất tiền, người không được thi đấu.
Thông thường, trong mối quan hệ, ở các hợp đồng chuyển nhượng thì người chủ quản CLB luôn là kẻ nắm đằng chuôi. Tuy nhiên với môi trường bóng đá hiện nay, các đội khác sẵn sàng lót tay đậm để cầu thủ đội đó ra đi. Ngoài sự thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ, sự lơi lỏng trong công tác quản lý, xử lý nạn môi giới (cò), thì chính sự thiếu chặt chẽ trong hợp đồng cầu thủ cũng như cũng quy định về chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến những tranh cãi về chuyển nhượng thời gian qua.
Mai Hương
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET