Dân trí Rất nhiều người hay nhìn vào một – hai trận thua của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan mà đòi thay người làm chuyên môn ở đội tuyển. Thế nhưng, có lẽ những vị đấy không chịu nhìn lại bóng đá trẻ Việt Nam đang có gì và chúng ta đang làm bóng đá trẻ như thế nào?

Không bằng những ngày xưa

Hãy lấy cột mốc là giải U21 quốc gia vừa kết thúc, lứa tuổi 21 là lứa tuổi mà ở nhiều nền bóng đá khác, cầu thủ thật ra đã thi đấu chuyên nghiệp, thậm chí một vài người trong số đó đã có chỗ ở đội tuyển quốc gia.

Nhưng ở lứa tuổi ấy, có mấy cầu thủ Việt Nam được góp mặt ở đội tuyển, ngoại trừ Duy Mạnh của Hà Nội T&T được xem là ngoại lệ hiếm hoi, chủ yếu nhờ công phát hiện của HLV Miura.

Cầu thủ xuất sắc nhất, đồng thời là vua phá lưới VCK U21 quốc gia Phạm Văn Thành thậm chí còn chưa được khoác đội tuyển U23 Việt Nam, chỉ hy vọng được góp mặt từ VCK U23 châu Á vào đầu năm tới. Những gương mặt khác, cơ hội dĩ nhiên còn nhỏ hơn.

Riêng lứa U21 của bầu Đức thì càng về sau càng cho thấy những nhược điểm. Khi họ thực chiến trên sân cỏ, thấy rõ là ngay cả lứa cầu thủ nổi tiếng ấy cũng chưa hơn những cầu thủ đồng trang lứa của bóng đá nội.

 

Bóng đá trẻ Việt Nam hiện nay chưa thấy nhiều gương mặt xuất sắc dạng Huỳnh Đức hay Hồng Sơn ngày xưa (ảnh: Trọng Vũ)
Bóng đá trẻ Việt Nam hiện nay chưa thấy nhiều gương mặt xuất sắc dạng Huỳnh Đức hay Hồng Sơn ngày xưa (ảnh: Trọng Vũ)

 

Và sự trưởng thành chậm của các cầu thủ trẻ Việt Nam mấy năm gần đây xuất phát từ hệ thống đào tạo trẻ, cũng như hệ thống thi đấu bóng đá trẻ nói chung của bóng đá nội.

Chỉ có 4/8 CLB đang chơi ở V-League có đại diện góp mặt ở VCK U21 quốc gia 2015 (Khánh Hòa, Gia Lai, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng), trong khi lẽ ra người ta cần nhiều hơn, vì lứa U21 đã là lứa liền kề của bóng đá đỉnh cao. Riêng các đội như An Giang, Bình Định còn không có đại diện đang thi đấu ở các giải chuyên nghiệp trong nước (tức 2 hạng đấu là V-League và giải hạng Nhất).

Điều đó chứng tỏ không nhiều CLB chuyên nghiệp quan tâm đến khâu đào tạo trẻ, không mấy quan tâm đến các lứa kế cận. Đấy cũng là hậu quả của phương thức làm bóng đá kiểu “lướt sóng” của nhiều đại gia tham gia vào bóng đá Việt Nam hơn chục năm qua.

Thực tế là gần như chỉ có bầu Hiển của Hà Nội T&T tổ chức được các đội trẻ quy củ, ở nhiều cấp độ khác nhau (U15, U17, U19, U21), đủ sức cạnh tranh vị trí cao ở các giải đấu trẻ này. Nhiều ông bầu khác dường như ít quan tâm đến các lứa trẻ. Đấy là chưa tính đến một số trường hợp cá biệt làm ít mùa là tìm cách bỏ bóng đá kiểu V.Ninh Bình hay XM Xuân Thành Sài Gòn.

Hệ thống các giải trẻ lạc hậu

Một khi các ông bầu còn không quan tâm đến việc phát triển bóng đá trẻ, thì khó trách những người làm chuyên môn tại các CLB cũng chẳng để tâm đến khâu này. Đấy cũng chính là lý do mà khoảng chục năm trở lại đây bóng đá Việt Nam dù giàu hơn, người làm bóng đá thu nhập tốt hơn hẳn, nhưng chúng ta không còn thấy những lứa trẻ giàu chất lượng cỡ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu… như thời bóng đá bao cấp.

Hệ thống các giải đấu trẻ cũng có vấn đề. Các lứa tuổi trẻ thi đấu quá ít mỗi năm, chỉ gói gọn trong khoảng 1 tháng, từ vòng loại đến VCK, không đủ để các cầu thủ cọ xát, nâng cao trình độ.

Quy định buộc các CLB chuyên nghiệp phải tham gia 4/5 giải đấu trẻ gồm U13, U15, U17, U19 và U21 cũng không thực tế. Chưa kể chế tài 200 triệu đồng tiền phạt nếu không tham dự mỗi giải trong số trên là quá lạc hậu, thể hiện tư tưởng không theo kịp tốc độ phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp, từ người soạn thảo và ban hành quy chế bóng đá chuyện nghiệp.

200 triệu đồng chỉ là con số lẻ đối với số tiền để phát triển một lứa tuổi trẻ, nên rất nhiều đại gia làm bóng đá thà đóng 200 triệu tiền phạt, chứ không xây dựng đội trẻ (đấy cũng là một con toán kinh tế theo thói quen của các đại gia cả đấy!).

Một nền bóng đá có quá nhiều vấn đề trong khâu định hướng và phát triển bóng đá trẻ như thế thì không lạ khi chất lượng cầu thủ càng lúc càng xuống. Hiện trạng đấy cũng khác xa với sự nhân rộng bóng đá trẻ ra học đường, phổ cập đến từng CLB của bóng đá Thái Lan.

Thành ra, họ hơn chúng ta trước hết là hơn ở khâu nền tảng. Nền tảng ổn định thì đội tuyển quốc gia mới ổn định. Cũng khác với chúng ta, nhiều người cứ chăm chăm vào đội tuyển mà không quay lại chỉnh đốn nền tảng của chính mình.

Trọng Vũ

 

 

Nguồn bài viết: Báo Dân Trí