Dân trí 10 năm ngồi ở ghế phó chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), theo dõi trực tiếp 2 thế hệ U19 thi đấu ở giải đấu khu vực các năm 2013 và 2015, ông Dương Vũ Lâm đưa ra nhận xét rất khách quan về 2 thế hệ, và về tương quan của chúng ta với bóng đá Thái Lan.
Theo dõi trận chung kết giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan, theo ông thì nguyên nhân vì đâu mà chúng ta thua nặng đến vậy?
Đầu tiên vẫn cứ phải nói đến cách chúng ta tiếp cận trận đấu. Thực lực của chúng ta không bằng Thái Lan, nên khi chọn lối chơi đôi công với họ, U19 Việt Nam càng đá càng đuối, đấy là sai lầm về chiến thuật. Nhưng nói rộng ra, trình độ của bóng đá Thái Lan, trình độ của cầu thủ Thái Lan hơn cầu thủ Việt Nam.
Còn về tương quan lực lượng của đội tuyển U19 Việt Nam so với phần còn lại của bóng đá Đông Nam trong lứa tuổi thì sao, thưa ông?
Nói công bằng, trong suốt giải, cho đến trước trận chung kết, chúng ta đã chơi tốt. Chúng ta chiến thắng nhiều đối thủ không hề đơn giản, như Myanmar vốn là đội đã giành quyền tham dự VCK U20 thế giới năm ngoái. Đông Timor cũng đang tiến bộ vượt bậc. Có thể một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ thấy một Đông Timor khác hẳn. Chúng ta không bàn nào cho đến trước trận chung kết đấy.
Và dưới con mắt của một người theo dõi bóng đá lâu năm như ông, lứa U19 hiện tại có triển vọng không?
Nhiều triển vọng là đằng khác. Về tầm vóc, có những cầu thủ có thể hình rất tốt, mà bóng đá hiện đại đòi hỏi điều đó. Chất lượng kỹ thuật của họ cũng đáng chú ý. Thậm chí, tôi đã thấy được một mẫu trung vệ đá khôn ngoan, giàu kỹ thuật, phán đoán tình huống tốt giống Như Thành ngày xưa, mà tôi không tiện nêu tên ở đây. Nếu được chăm chút tốt, được định hướng đúng cách, họ sẽ phát triển tốt trong tương lai.
Sau trận chung kết thua đậm Thái Lan, đã có một số ý kiến cho rằng nếu đặt trường hợp là lứa U19 của năm 2013 đá trận đấy, chúng ta sẽ không thua đậm đến vậy. Là người từng theo dõi cả 2 giải đấu năm 2013 và 2015, ông đánh giá về ý kiến này như thế nào?
Có thể! Trong bóng đá thì mọi chuyện đều có thể. Nhưng thú thật là rất khó so sánh 2 đội bóng thuộc 2 giai đoạn khác nhau. Có thể lúc đó chúng ta khác nhưng họ cũng khác. Ví dụ như năm 2013, đội bóng của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường năm đó rất giàu kỹ thuật, phối hợp ăn ý, vì họ ăn tập với nhau cả 7 năm trước đó rồi mà.
Nếu Tuấn Anh và Xuân Trường đứng trong đội tuyển U19 Việt Nam đá trận chung kết với Thái Lan hiện tại, chúng ta sẽ không đến nỗi lép vế về khả năng cầm bóng so với người Thái, vì đội U19 hiện nay thiếu dạng tiền vệ giỏi cầm bóng trước hàng thủ dày đặc. Nhưng đội bóng của năm 2015 lại có những trung vệ tốt hơn, có những tiền vệ phòng ngự giỏi hơn và có tầm vóc cùng khả năng tranh chấp, cũng như chịu đựng va chạm tốt hơn, mà lứa 2013 lại thiếu.
Và theo ông thì có thật cần thiết phải so sánh giữa 2 lứa cầu thủ ở 2 giải đấu khác nhau, thuộc 2 mốc thời gian khác nhau không?
Tôi nghĩ rằng cho dù có chuyện đó chăng nữa thì rốt cuộc chúng ta giải quyết được điều gì? – Cuối cùng vẫn phải làm thế nào để phát triển lên đỉnh cao, để bắt kịp người Thái ở đỉnh cao, chứ không phải đơn thuần là hơn – thua ở một vài trận đấu tại giải trẻ. Lứa nào cũng có khiếm khuyết và có điểm mạnh riêng, lò đào tạo nào cũng vậy. Thành ra, điều quan trọng là chúng ta biết cách hòa trộn điểm mạnh của nhiều lứa cầu thủ, nhiều lò đào tạo, chứ không đơn thuần gói gọn tầm nhìn trong một lứa cầu thủ hay một phương thức đào tạo cầu thủ.
Về thông tin U19 Thái Lan tuyển quân với hơn cả ngàn hồ sơ dự tuyển, ông có tìm hiểu về thông tin này và nghĩ gì về cách làm của họ?
Đấy là thông tin chính xác! Nên biết rằng hơn cả ngàn cầu thủ ấy đều là cầu thủ của các lò đào tạo trẻ, chứ không phải là cầu thủ “tay ngang”. Nhưng tinh ý sẽ thấy nòng cốt của U19 Thái Lan vẫn là những gương mặt đang thi đấu tại Thai-League, có kinh nghiệm và có tài năng.
Họ tuyển quân khác chúng ta vì thật ra thì họ cũng không có giải trẻ ở lứa tuổi như chúng ta, nên buộc phải làm thế. Chỉ có điều tiềm lực bóng đá trẻ của họ quá lớn, nhờ làm tốt công tác phát triển bóng đá từ học đường, như Nhật Bản, Hàn Quốc đang làm. Chúng ta thì chưa làm được như vậy vì đây là câu chuyện không chỉ dựa vào giới bóng đá mà có thể thực hiện nổi!
Xin cảm ơn ông!
Trọng Vũ (thực hiện)
Nguồn bài viết: Báo Dân Trí