Dân trí Van Gaal đã đối diện với sức ép khủng khiếp từ trên khán đài Old Trafford, những người luôn muốn ông xây dựng lối đá đẹp mắt ở MU. Liệu chăng, ngài “Tulip thép” có nên chiều lòng CĐV Quỷ đỏ, thay đổi triết lý của mình?
1. Van Gaal ngồi trầm lặng trên băng ghế huấn luyện của MU. Như thường lệ, người đàn ông có biệt danh “Tulip thép” ấy vẫn vững như bàn thạch, ngay cả khi ở ngay phía trên ông, hàng tấn áp lực để “ném thẳng” xuống sân trong những tiếng la ó không ngớt của những CĐV Quỷ đỏ.
“Tấn công, tấn công, tấn công” – thông điệp ấy của người hâm mộ đã được truyền đi trong hoàn cảnh MU thi đấu vô cùng bế tắc. Tới khi Martial bị rút khỏi sân (thay bằng Fellaini), sự phản ứng của đám đông CĐV đã lên tới đỉnh điểm.
Cần phải khẳng định, MU của Van Gaal bị phản đối ngay cả khi họ giành chiến thắng. Trong thời gian qua, cụm từ “nhàm chán” đã được nhắc tới khá nhiều để nói về lối chơi của Quỷ đỏ dưới thời chiến lược gia người Hà Lan.
Câu hỏi đặt ra là liệu chăng HLV Van Gaal có thay đổi để “chiều lòng” CĐV MU?
2. Trong thời kỳ hoàng kim ở MU, Sir Matt Busby từng nổi tiếng với triết lý: “Các cầu thủ cứ ra sân và chơi theo cách của họ” (tất nhiên là lối chơi tấn công). Ông quan niệm rằng CĐV luôn là yếu tố quan trọng nhất và các cầu thủ phải chiều lòng họ.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng thế giới bóng đá đã thay đổi. Tới ngay cả Sir Alex cũng phải thay đổi để phù hợp với guồng quay ấy. MU (hay bất kỳ CLB nào) chỉ có thể tấn công khi sở hữu nguồn lực đủ tốt để phục vụ lối chơi ấy (như Barcelona, Bayern Munich). Bên cạnh đó, không phải lúc nào CLB cũng “nhắm mắt nhắm mũi” thực hiện tôn chỉ ấy.
Sir Alex từng lên đỉnh với thứ bóng đá đẹp mắt với thế hệ vàng năm 1999 nhưng cũng chính ông lại là người thực dụng nhất trong số những kẻ thực dụng. Có những giai đoạn, MU của Sir Alex chỉ vượt qua đối thủ với cách biệt 1 bàn. Thậm chí, ở cuộc chiến với Blackburn năm 2011, khi chỉ cần 1 điểm để lên ngôi vô địch, MU đã “giết chết trận đấu” bằng những đường chuyền qua chuyền lại bên phần sân nhà cho tới khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc.
Sự thành công của Hà Lan ở World Cup 2014 và World Cup 2010 mang đậm chất thực dụng xấu xí (nên nhớ trong quá khứ, họ luôn trình diễn lối chơi tấn công rực lửa). Điều đó cho thấy, đôi khi, trong bóng đá cần biết hy sinh để tới thành công.
Vì vậy, Van Gaal chẳng sai khi sử dụng lối chơi thực dụng tới mức nhàm chán (cầm bóng chủ yếu vì không muốn đối thủ ghi bàn). Bởi đơn giản, ông hiểu quá rõ MU và nhận thức được cần phải làm gì để hướng CLB về quỹ đạo thành công. Ít nhất, lúc này, Quỷ đỏ cũng tự hào về hàng thủ vững chắc không để thủng lưới trong gần 500 phút liên tiếp và đang có thành tích tốt ở Champions League cũng như Premier League.
Chẳng phải ngẫu nhiên, Ander Herrera, Michael Carrick, Lingard đều lên tiếng ủng hộ HLV Van Gaal, bất chấp việc điều đó có thể khiến CĐV MU không hài lòng. Bởi lẽ, họ hiểu rõ nội bộ CLB và hiểu được ông thầy mình muốn truyền đạt điều gì.
3. Ngoài yếu tố trên, bản thân HLV Van Gaal cũng là con người kiên định với tôn chỉ của chính mình. Trong cuốn sách về Van Gaal, nhà văn Maarten Meijer viết: “Tại Barcelona, cũng có những lúc ông ấy không thể hòa giải với người hâm mộ.
Van Gaal luôn có niềm tin mạnh mẽ về chiến thuật của mình. Đôi lúc, điều đó đã đẩy ông vào những cuộc tranh cãi với cầu thủ, giới truyền thông và CĐV nhà. Tuy nhiên, Van Gaal là một kẻ cuồng tín với chiến thuật của mình. Ông ấy luôn tin rằng mình quyết định đúng”.
Chính bởi lẽ đó, khả năng HLV Van Gaal sẽ không thay đổi triết lý của mình ở MU, như cái cách ông nói với Lingard và các học trò nên phớt lờ những tiếng la ó của CĐV Quỷ đỏ để kiên nhẫn chiến đấu với thứ triết lý của mình.
Có thể thấy, Van Gaal chẳng sai (khi muốn tìm kiếm thành công), CĐV MU cũng đúng khi đòi hỏi quyền lợi của mình (muốn theo dõi bóng đá đẹp). Vấn đề ở chỗ, họ sẽ chấp nhận nhau trong bao lâu?
H.Long
Nguồn bài viết: Báo Dân Trí