Sau vòng tứ kết Champions League, bóng đá Đức đã biến mất trên sân khấu châu Âu và tiếp tục có thêm một năm u ám. Nhưng Tổng giám đốc Uli Hoeness của Bayern Munich e sợ trong tương lai tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn bởi tình trạng tài chính của nhiều CLB Đức kém khá xa so với những gã khổng lồ của bóng đá châu Âu.
Hình ảnh bất lực của Kahn và đồng đội cũng là biểu tượng chung của Bundesliga. |
Trong 5 năm tới Juventus sẽ có hơn 300 triệu bảng để chi tiêu vào thị trường chuyển nhượng, một con số Bayern chỉ có thể nghĩ tới trong giấc mơ. Còn khoảng cách thu nhập từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình giữa các đội bóng ở Bundesliga với những đội bóng ở La Liga, Premier League và Serie A ngày càng lớn hơn. Đó là điều trớ trêu nếu biết rằng năm nay lượng khán giả vào sân của Bundesliga cao nhất châu Âu, trong đó vé xem ở sân mới của Bayern, Allianz (khánh thành vào tháng tới với sức chứa 66.000), đã được bán hết đến năm 2010. Sự thua thiệt là do giá vé ở đây khá rẻ: chỉ 7 bảng.
Một thất thu đáng kể khác là thói quen. Phần lớn CĐV Đức không thích đăng ký truyền hình cáp để xem các trận đấu ở châu Âu, khác xa với Anh, nơi nhiều người thường xuyên theo dõi bóng đá Tây Ban Nha, Serie A. Hơn nữa, theo SGGP, Bundesliga không có sức hấp dẫn với khán giả truyền hình ở những quốc gia khác và đó là lý do thu nhập từ “truyền hình xem trận nào trả tiền trận đó” của Đức vào khoảng 210 triệu bảng, chỉ bằng một nửa so với Pháp, chứ chưa nói đến Anh, Italy hay Tây Ban Nha.
Trước sự thua thiệt này, ông Hoeness đã kêu gọi cần nhanh chóng xem lại bản chất của bóng đá Đức, trong đó cần phải đẩy mạnh thương mại hóa bóng đá. Ở Đức không có những tay tỷ phú giàu có như Roman Abramovich (Chelsea), Silvio Berlusconi (AC Milan) đầu tư vào các CLB. Bayern Munich dù đã chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng ngay cả đại gia như Adidas cũng chỉ chiếm 10% cổ phần của CLB. Phần lớn cổ phần còn lại thuộc các quan chức hàng đầu của CLB và thường ít có chuyện mua bán.
Các CLB Đức cũng không giỏi trong chuyện làm ăn. Chẳng hạn sau những cuộc tuyển mộ vô tội vạ và quản lý kém, CLB Dortmund, từng đoạt Cúp Champions League năm 1997, nợ ngập đầu và suýt nữa tuyên bố phá sản. Không đủ sức cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng, nhiều CLB chuyển sang phát triển và sử dụng nhiều hơn những tài năng bản xứ. Đó là tin tốt cho đội tuyển quốc gia ở World Cup 2006 nhưng xét về tính chất hấp dẫn để cạnh tranh trên thị trường cũng như khả năng giành chiến thắng ở Cúp UEFA hay Champions League, rõ ràng các CLB ở Bundesliga chỉ là cái bóng của những Chelsea, AC Milan, Juventus, Real Madrid, Barcelona… như ông Hoeness than thở: “Nếu mọi chuyện cứ tiếp tục như vậy, tôi cảm thấy bi quan cho toàn bộ bóng đá Đức”.
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET