Nếu đã yêu thích món nem tai trộn thính bà Hồng, chắc hẳn bạn sẽ không thể từ chối nem nắm Giao Thủy, Nam Định.
Nem nắm Nam Định ăn kèm với đinh lăng, lá sung. |
Từng có chuyện kể lại rằng nem tai bà Hồng cũng có xuất xứ từ Nam Định. Món nem nắm cũng có nhiều điểm tương tự nem tai trong nguyên liệu và cách chế biến. Nếu như nem tai là tai lợn trộn thính, gia vị thì nem nắm là bì lợn, thịt lợn trộn thính, nắm chặt. Cả hai món đều ăn kèm lá sung, đinh lăng và có bát nước chấm chua chua ngọt ngọt.
Người dân Nam Định còn tự hào kể lại rằng nem nắm Nam Định có lịch sử từ rất lâu, từng là đặc sản tiến vua nhà Trần. Các fan bóng đá còn đồn rằng, HLV Calisto khi còn dẫn dắt Đồng Tâm Long An cũng rất thưởng thức món này khi đưa quân tới đá bóng ở Nam Định.
Trong các bữa tiệc tùng, cưới hỏi của người dân gốc Nam Định thường xuyên có món ăn này. Nhiều nhà cầu kỳ còn mang theo cả nước mắm Sa Châu, thính của quê nhà để lúc nào tiện có thể chế biến luôn cho gia đình.
Trước có hai hình thức là nem sống và nem chín nhưng do nỗi e ngại về an toàn thực phẩm nên các hàng chủ yếu chỉ chế biến nem từ các nguyên liệu đã luộc chín. Cách làm cũng không quá phức tạp gồm bì lợn luộc thái chỉ, thịt lợn ba chỉ thái nhỏ trộn với thính, tỏi, nước mắm rồi nắm chặt cho các thành phần nhuyễn, gắn chặt với nhau rồi bọc trong lá dong xanh mướt thành gói nhỏ xinh xinh. Món ăn dậy mùi thơm của thịt, của thính, ăn béo vừa phải, không bị ngấy. Khi ăn, bạn làm tơi nem, rồi cho nem, đinh lăng vào lá sung, cuốn lại, chấm nước mắm chua cay.
Món ăn nhìn đơn giản nhưng phải khéo léo để thịt, bì quyện với nhau. |
Thường các bà các chị quê gốc Nam Định vẫn thường xuyên làm cho gia đình ăn bởi món này vừa có chất thịt lại chấm nước mắm chua cay nên ăn rất vào. Đây cũng là món ăn kèm lúc nhậu của cánh đàn ông.
Gần đây, ở mạn Định Công (Hà Nội) cũng xuất hiện một hàng bán loại nem này có địa chỉ sản xuất tại phố Lương Khánh Thiện.
Út Liên
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET