Với 100% số phiếu tán thành, đề xuất thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) của 6 ông bầu được thông qua. Sau khi được thành lập, công ty này sẽ có nhiệm vụ tổ chức V-League và giải hạng nhất hoạt động theo mô hình mới.

bau-533075-1368184175_500x0.jpg

Các ông bầu và VFF tìm thấy tiếng nói chung. Ảnh: Ngọc Thế.

Tại hội nghị các CLB V-League và hạng nhất diễn ra hôm nay tại Hà Nội, ngoài các thành viên ban chấp hành VFF, đầy đủ đại diện 28 CLB V-League và hạng nhất đều góp mặt. Sau gần một ngày thảo luận, hội nghị đi tới thống nhất sẽ nhanh chóng lập VPF ngay trước mùa giải 2012.

Khởi xướng ý tưởng này chính là 6 ông bầu từng có ý định thành lập Super Liga gồm ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An), Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Hoàng Mạnh Trường (Ninh Bình), Nguyễn Văn Đệ (Thanh Hóa), Lê Tiến Anh (Khánh Hòa).

Phần giới thiệu của ông Kiên về VPF chiếm gần cả buổi sáng. Chủ tịch của CLB Hà Nội khẳng định đây không phải là mô hình mới, không phải là sáng kiến của ông bởi nó được nói tới từ lâu và được áp dụng ở rất nhiều nước. “Các quốc gia áp dụng mô hình này đều đã thành công rực rỡ, chưa một nước nào gặp thất bại, phải bỏ mô hình này để quay về mô hình cũ. Với tư cách là người đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam, xây dựng công ty thể thao ACB, áp dụng luật doanh nghiệp vào bóng đá chuyên nghiệp, tiếp nhận đội bóng đá bao cấp trước đây, tôi khẳng định công ty này sẽ hoạt động có lãi”, ông Kiên quả quyết.

Về vấn đề thủ tục pháp lý để thành lập VPF, Chủ tịch CLB Hà Nội tin rằng các bộ ban ngành sẽ ủng hộ tối đa sự ra đời của công ty này vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bản quy chế mới làm lại rất nhanh thậm chí, ông Kiên cho rằng chỉ cần một ngày để hoàn thành công việc này. Hồ sơ thành lập công ty cần một tuần và chỉ chờ các Bộ đồng ý.

Một vấn đề được nhiều ông bầu quan tâm là có nên tách riêng một công ty điều hành giải V-League, một công ty điều hành giải hạng nhất. Theo bầu Thắng và đại diện một số CLB hạng nhất, nên cho phép các CLB hạng nhất tham gia vào VPF. Tuy vậy, ông Kiên lại cho rằng: “Tôi không thiết kế CLB hạng nhất tham gia cổ phần vì hai lý do. Thứ nhất, CLB hạng nhất chưa phải CLB nào cũng là doanh nghiệp. Chưa là doanh nghiệp thì việc góp vốn thành lập doanh nghiệp không thực hiện được. Thứ hai, tìm nhà tài trợ cho hạng nhất không dễ và không nhiều. Nếu tất cả CLB hạng nhất, trong đó có cả tôi, tin tưởng giao việc tổ chức cho công ty này, toàn bộ chi phí tổ chức có thể lo được”.

Theo đề xuất của nhóm bộ 6 CLB, VPF được xây dựng để điều hành tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, thành lập dựa trên các thành viên của giải V-League 2012 và Liên đoàn bóng đá Việt Nam với vốn điều lệ hơn 22 tỷ. Trong đó, 14 CLB V-League góp 14 tỷ đồng (mỗi CLB một tỷ đồng) chiếm 64,4% còn VFF góp 7,8 tỷ chiếm 35,6% vốn điều lệ.

Đây chỉ là số vốn danh nghĩa, còn vốn hoạt động của công ty phải do Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc chịu trách nhiệm. “Anh Đức có nói nhỏ với tôi hay để anh tài trợ toàn bộ. Thực ra, thu nhập của anh Đức một năm là ba bốn nghìn tỷ đồng thì việc bỏ ra vài chục tỷ là việc đơn giản và nếu anh Đức không làm thì tôi cũng làm. Nhưng tôi muốn rằng khi công ty này ra đời, nó phải hoạt động thật vì lợi nhuận, lấy bóng đá nuôi bóng đá”, bầu Kiên cho biết.

hy-906217-1368184175_500x0.jpg

Ông Hỷ khẳng định việc bầu trưởng giải được lùi lại vì chưa cấp bách. Ảnh: Ngọc Thế.

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ kết luận: “Chúng tôi nhận định đây là cơ hội để bóng đá Việt Nam phát triển. Sau thời gian thảo luận có thể nói là gay gắt vừa qua, việc xây dựng công ty cổ phần bóng đá điều hành V-League và giải hạng nhất là bài toán đã có lời giải. Chúng tôi ủng hộ phương án này. Từ chiều qua, thường trực chúng tôi cũng bàn vấn đề này gần hai tiếng đồng hồ. Theo tôi, chúng ta kết thúc ở đây chứ không cần bầu trưởng giải. Nếu đề án này xong trước mùa giải thì lúc đó, bầu trưởng giải cũng không muộn”.

Ngọc Thế

Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET