Sau một năm đại thành công của bóng đá cấp CLB (đoạt Cup UEFA và Champions League), người Tây Ban Nha đang đặt tham vọng mở ra một chương mới ở đẳng cấp đội tuyển. Cơ sở cho “dự án” táo bạo này là thế hệ tài năng vừa đạt độ chín.
4 năm trước, “chú bò tót” đã thiếu một chút may mắn để vượt qua chủ nhà Hàn Quốc ở tứ kết. |
Trong thế giới bóng đá đỉnh cao, có không ít những câu chuyện bất hợp lý, và một trong số đó phải kể tới Tây Ban Nha. Sở hữu giải vô địch thuộc loại mạnh nhất như Primera Liga, nhưng đội tuyển quốc gia xứ sở đấu bò chưa bao giờ biết đến ánh hào quang World Cup. Thành tích cao nhất của Tây Ban Nha tại các kỳ đại hội bóng đá hành tinh là vào bán kết năm 1950. Đây chính là điều phi lý nhất, bởi kể từ năm 1956 tới nay, xứ sở đấu bò đã có 11 chiếc Cup C1 (9 của Real và 2 của Barca, nhiều nhất châu Âu).
Bảng H Tây Ban Nha Ukraina Tunisia Ảrập Xêut |
Thực trạng buồn này được các chuyên gia lý giải như sau: giải vô địch Tây Ban Nha luôn là chỗ để các tài năng Brazil, Argentina thi thố, vì thế những cầu thủ nội địa không có chỗ để phát triển tài năng. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha ít khi xuất khẩu nhân lực ra nước ngoài, nên kinh nghiệm thi đấu chưa được phong phú. Ngoài ra, xứ sở đấu bò còn là tổ hợp của nhiều vùng miền khác nhau, mỗi nơi lại có văn hóa và triết lý khác nhau, thậm chí chẳng hề hòa thuận trong quá khứ (ví dụ như Catalan với Castilla), vì vậy chuyện đoàn kết trong nội bộ đội tuyển đáng được đặt dấu hỏi.
Nhưng đến với World Cup 2006 lần này, Tây Ban Nha đang đặt tham vọng sẽ lột xác bằng tập thể giàu tài năng nhất từ trước tới nay. Quả thực, hiếm có thời kỳ nào đất nước đa văn hóa này lại sản sinh ra nhiều cầu thủ có giá đến vậy. Liên tiếp hai năm gần đây, Reyes và Sergio Ramos liên tục lập các kỷ lục chuyển nhượng tại CLB với số tiền hàng chục triệu euro. Thậm chí, các ông lớn châu Âu sẵn sàng trả nhiều hơn, nếu một trong số các “sao” như Puyol, Xavi, Joaquin, hay Torres chịu ra đi.
Fernando Torres, một trong những tài năng được săn đón nhiều nhất ở châu Âu hiện nay. |
Không chỉ có vậy, người Tây Ban Nha đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình và hướng tới phong cách đa dạng hơn. Những “món hàng” xuất khẩu sang Anh đã khẳng định được chất lượng (Alonso, Luis Garcia, Fabregas, Reyes). Bên cạnh đó, tinh thần “trọng người tài” cũng phát huy một cách linh hoạt. Hậu vệ trái hay nhất Liga, Pernia, (người Argentina) và tiền vệ phòng ngự xuất sắc, Senna, (gốc Brazil) đều được nhập tịch để có mặt tại Đức.
Quân đã “ngon”, chỉ còn chờ tướng tài
Tuy vậy, cho đến nay, sau hai năm lên nắm quyền, HLV trưởng Luis Aragones vẫn chưa làm an lòng các CĐV. Đội tuyển Tây Ban Nha đã buộc phải đấu hai trận play-off với Slovakia để giành vé vớt. Thậm chí, ở bảng vòng loại trước đó, hầu như chẳng ai còn nhận ra “chú bò tót” dũng mãnh ngày nào, khi bị Serbia & Montenegro và Bosnia Herzegivina cầm hòa trên sân nhà (cùng tỷ số 1-1). Vị HLV lão làng 67 tuổi vẫn chưa thực sự tỏ ra thông thái như cái biệt danh “nhà hiền triết vùng Hortaleza”.
Với “quả cầu phép” của mình, “nhà hiền triết” chỉ thành công ở những đội bóng nhỏ. |
Bất cứ dân tộc nào cũng có niềm tự hào về văn hóa, lối sống, và “máu” của riêng mình. Nhưng trong thời đại bóng đá cũng bị cuốn theo cơn lốc thị trường và toàn cầu hóa, có nên chăng khi kềm hãm sức bật tiềm năng của đội tuyển bởi một HLV nội.
Bồ Đào Nha đã đi trước người hàng xóm bằng việc thuê Felipe Scolari, và cũng tạm coi là thành công. Vậy tại sao, Tây Ban Nha chưa thay đổi tư duy.
Giới chuyên môn nhận định, World Cup 2006 sẽ cơ hội cuối cùng cho Luis Aragones thể hiện bản lĩnh 32 năm cầm quân của mình. Hãy cố lên, “nhà hiền triết vùng Hortaleza”.
Những đánh giá khác về tuyển Tây Ban Nha dự World Cup 2006 |
Điểm mạnh: Mạnh mẽ và đồng đều ở cả 3 tuyến. Điểm yếu: Raul chưa thực sự lấy lại 100% phong độ sau chấn thương. Nét chiến thuật chưa thể hiện được cá tính. Nằm ở bảng H tại World Cup, có lịch đấu thuận lợi, từ khó đến dễ: |
Hành trình vòng loại | ||||||||||||||||||||||||
12/10/05 San Marino 0-6 Tây Ban Nha Đấu play-off: Thành tích qua các kỳ World Cup: 11 lần góp mặt (1934, 50, 62, 66, 78, 82, 86, 90, 94, 98, 2002). Một lần đứng thứ tư (1950) và 4 lần vào tứ kết (1934, 86, 94, 2002). Tỷ lệ cược: 1 ăn 14 (ứng cử viên thứ 8) |
Danh sách đội tuyển Tây Ban Nha tới Đức:
Thủ môn: Iker Casillas (Real Madrid), Pepe Reina (Liverpool), Santiago Canizares (Valencia)
Hậu vệ: Antonio Lopez (Atletico Madrid), Pablo Ibanez (Atletico Madrid), Carles Puyol (Barcelona), Juanito (Real Betis), Mariano Pernia (Getafe), Michel Salgado (Real Madrid), Sergio Ramos (Real Madrid), Carlos Marchena (Valencia)
Tiền vệ: Cesc Fabregas (Arsenal), Jose Antonio Reyes (Arsenal), Andres Iniesta (Barcelona), Xavi (Barcelona), Joaquin (Real Betis), Luis Garcia (Liverpool), Xabi Alonso (Liverpool), David Albelda (Valencia), Marcos Senna (Villarreal)
Tiền đạo: Fernando Torres (Atletico Madrid), Raul (Real Madrid), David Villa (Valencia)
(Theo VnExpress)
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.NET